Theo đó, phạm vi điều chỉnh đã bổ sung nội dung quản lý và sử dụng thiết bị lưu khóa bí mật trong công tác văn thư; đồng thời thu hẹp đối tượng áp dụng so với Nghị định 110/2004/NĐ-CP. Nghị định này cũng quy định cụ thể về văn bản điện tử và giá trị pháp lý của văn bản điện tử trong quá trình hoạt động và giao dịch của các cơ quan tổ chức, theo đó: “Văn bản điện tử” là văn bản dưới dạng thông điệp dữ liệu được tạo lập hoặc được số hóa từ văn bản giấy và trình bày đúng thể thức, kỹ thuật, định dạng theo quy định. “Văn bản điện tử” có giá trị pháp lý như văn bản giấy khi đáp ứng các điều kiện: (i) Được ký số bởi người có thẩm quyền và ký số của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật; (ii) Chữ ký số trên văn bản điện tử phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, khái niệm “Văn bản chuyên ngành” được chỉ rõ nguồn hình thành và quy định thẩm quyền ban hành, khác với Nghị định 110 đó là thẩm quyền ban hành do người đứng đầu cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày mà không phải thỏa thuận với Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Về số lượng văn bản hành chính: Theo Nghị định có 29 loại văn bản hành chính gồm các văn bản sau: Nghị quyết (cá biệt), quyết định (cá biệt), chỉ thị, quy chế, quy định, thông cáo, thông báo, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án, dự án, báo cáo, biên bản, tờ trình, hợp đồng, công văn, công điện, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận, giấy uỷ quyền, giấy mời, giấy giới thiệu, giấy nghỉ phép, phiếu gửi, phiếu chuyển, phiếu báo, thư công. So với Nghị định 09/2010/NĐ-CP bổ sung thêm 01 loại văn bản đó là Phiếu báo và bớt 04 loại văn bản đó là: Bản cam kết; Giấy đi đường; Giấy chứng nhận; Giấy biên nhận hồ sơ.
Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính cũng có một số điểm mới như đối với các văn bản có phần căn cứ ban hành thì phần căn cứ được in nghiêng; số trang của văn bản được đánh từ trang thứ 2 trở đi canh giữa lề trên của văn bản. Nghị định cũng có nhiều quy định viết hoa khác với Thông tư số 01/2011/TT-BNV trước đây.