Đạo đức công vụ là hệ thống các chuẩn mực quy định nhận thức và hành động được xem là tốt hay xấu, là nên hay không nên làm trong hoạt động công vụ của người cán bộ, công chức nhằm xây dựng một nền công vụ trách nhiệm, chuyên nghiệp và trong sạch, tận tụy, công tâm. Đạo đức công vụ là một phạm trù tương đối rộng, bao hàm đạo đức, lối sống, cách xử sự của cán bộ, công chức không chỉ trong các mối quan hệ xã hội thông thường mà còn trong phạm vi thực hiện nhiệm vụ công, đó là trong giao dịch hành chính với tổ chức, công dân. Nói cách khác, đạo đức công vụ là phải thực hiện cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ.
Trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, vấn đề nâng cao đạo đức công vụ là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước hiện nay, vẫn có một bộ phận cán bộ, công chức đang bị suy thoái với những biểu hiện khác nhau như: sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu bản lĩnh đấu tranh với những hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực. Chưa thực sự lấy việc phục vụ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, làm thước đo mức độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình. Lợi dụng chức vụ, vị trí để gây khó dễ với người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính… Thực trạng này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Đối với huyện Thăng Bình công tác cải cách hành mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn có mặt hạn chế. Cơ chế “một cửa” tuy đã được triển khai ở tất cả các địa phương nhưng việc thực hiện ở một số nơi còn chưa tốt, chưa đáp ứng nhu cầu của công dân và tổ chức; vẫn còn tình trạng quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính nhưng chưa có văn bản xin lỗi người dân và tổ chức theo quy định; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy định về giờ làm việc, văn hóa công sở có lúc chưa nghiêm. Cơ sở vật chất ở bộ phận tiếp nhận và hoàn trả kết quả ở một số địa phương chưa đảm bảo…
Năm 2021 tiếp tục được huyện Thăng Bình xác định là năm cải cách hành chính. Vì vậy, để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, trong thời gian tới để góp phần nâng cao đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm thực hiện tốt chương trình cải cách hành chính Nhà nước trên địa bàn huyện, xây dựng một nền hành chính chính quy, chuyên nghiệp, cần tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp sau:
(UBND huyện Thăng Bình chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận một cửa)
Một là, nâng cao nhận thức của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, vai trò của người đứng đầu về cải cách hành chính nhà nước. Tiếp tục coi cải cách hành chính là nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu công vụ; cải cách tổ chức bộ máy, cơ quan hành chính nhà nước các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, nâng cao chất lượng dịch vụ công nhằm giảm phiền hà, thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của uỷ ban nhân dân các cấp, nhất là hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện và xã, thị trấn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Tiếp tục củng cố, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tập trung hoàn chỉnh các nội dung về vị trí việc làm trong các đơn vị, địa phương đảm bảo đúng người, đúng việc, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu. Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhất là bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ chủ chốt các cấp; bồi dưỡng kỹ năng hành chính cho đội ngũ công chức.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ chế kiểm tra, thanh tra việc thực thi công vụ của đội ngũ công chức tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Xử lý nghiêm người vi phạm và khen thưởng kịp thời người thi hành xuất sắc nhiệm vụ. Mỗi cán bộ, công chức phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, học tập nâng cao trình độ và năng lực công tác để thực hiện tốt nhiệm vụ, công việc được giao. Mỗi cán bộ, công chức phải tận tụy với công việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và nêu gương sáng về đạo đức để mọi người noi theo.
Phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với cán bộ, công chức và hoạt động công vụ, đảm bảo quyền dân chủ cơ sở để dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ. Hoàn thiện cơ chế quản lý và làm rõ thẩm quyền quản lý từng loại cán bộ, công chức của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị; định rõ quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong quản lý hoạt động công vụ của cấp dưới thuộc quyền.
Cán bộ, công chức là lực lượng quan trọng quyết định sự thành công của công cuộc cải cách. Vì vậy, đạo đức công vụ luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu nhằm đảm bảo hoạt động hoàn thiện của nền hành chính và là giải pháp hữu hiệu nhất để xây dựng thành công nhà nước pháp quyền XHCN. Phát huy đạo đức công vụ chính là đề cao trách nhiệm phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân của người cán bộ, công chức; từ đó củng cố lòng tin của người dân vào bộ máy nhà nước./.